Bé bị hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, giảm bú so với thường ngày? Có thể con bạn đang bị viêm mũi họng. Viêm mũi họng (hay còn gọi là cảm, cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên) là một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở trẻ em và là nguyên nhân thường gặp nhất khiến bé phải nghỉ học. Đa số trẻ bị viêm mũi họng 6-8 đợt mỗi năm hoặc nhiều hơn nếu trẻ có đi nhà trẻ. 

ThS. BS. Vũ Thị Mai Uyên

Bộ môn Nhi - Đại học Y Dược TP. HCM

1. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH

Viêm mũi họng thường do virus gây ra. Có hơn 200 loại virus gây bệnh này nhưng thường gặp nhất là rhinovirus.

Cách lây: bé bị lây thông qua tiếp xúc với người đang bị viêm mũi họng. Virus có thể “nhảy” từ người bệnh sang người khoẻ bằng các cách sau:

  • Qua không khí: nếu người bị viêm mũi họng ho hoặc hắt hơi, một lượng lớn virus có thể phát tán vào không khí. Khi con bạn hít phải phần không khí này, virus có thể bám vào mũi của bé và gây bệnh.

  • Tiếp xúc trực tiếp: tức là bé chạm vào người bị bệnh, hoặc chạm vào vật dụng mà người bệnh vừa sử dụng xong. Vì vậy bệnh rất dễ lây lan ở trẻ em.

2.TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP

Bé có thể sốt hoặc không. Nếu có sốt thì thường là sốt nhẹ. Sốt cao khi trẻ bị nhiễm vi khuẩn thêm hoặc khi có biến chứng. Bé hay bị hắt hơi, chảy nước mũi (có thể nước trong hoặc đục), nghẹt mũi (dễ làm cho bé bú ít, khó ngủ). Các bé lớn có thể than đau họng, nuốt đau. Ho là triệu chứng thường gặp do họng bị kích thích hoặc do nước mũi chảy từ trên xuống theo thành sau họng.


Các triệu chứng thường kéo dài 1 tuần, hoặc có thể lên đến 2 tuần. Một số bé có thể có các biến chứng như viêm tai, viêm xoang, viêm thanh khí phế quản.

3.CHĂM SÓC TRẺ BỊ VIÊM MŨI HỌNG

Đa số trẻ viêm mũi họng sẽ tự hồi phục. Kháng sinh không có tác dụng lên virus nên thường không cần dùng. Sau đây là các biện pháp giúp trẻ dễ chịu hơn khi bị viêm mũi họng:

  • Cho bé uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu, giàu năng lượng

  • Cho bé nghỉ ngơi

  • Sử dụng nước muối xịt mũi hoặc nhỏ mũi nếu trẻ bị nghet mũi. Ở trẻ nhỏ có thể hút mũi để làm sạch nước mũi

  • Dùng các xiro ho an toàn

  • Uống thuốc hạ sốt khi bé sốt trên 38,5°C

4.LƯU Ý KHI TRẺ BỊ VIÊM MŨI HỌNG

Mẹ cần đưa bé đi khám Bác sĩ nếu:

  • Thở mệt, thở nhanh

  • Sốt cao từ 390C trở lên

  • Bé bỏ bú, ăn kém (không được 50% so với ngày thường)

  • Bé nôn ói nhiều

  • Các triệu chứng kéo dài trên 10 ngày

  • Bé lừ đừ, mệt mỏi hoặc có triệu chứng bất thường nào khác

5.PHÒNG NGỪA

  • Tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng bị viêm mũi họng.

  • Nếu con bạn bị viêm mũi họng, hạn chế cho bé tiếp xúc với người khác để giảm lây lan bệnh.

  • Che mũi và miệng bằng khăn hoặc khuỷu tay (không phải bằng tay nhé) khi ho hoặc hắt hơi

  • Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng

  • Rửa tay thường xuyên

  • Chích ngừa đầy đủ theo tuổi. Dinh dưỡng đa dạng và đầy đủ để tăng sức đề kháng.